Bộ Công Thương vừa cho biết đã nhận được tờ trình của Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn (LSP) về việc thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật kèm theo Hồ sơ thiết kế, báo cáo thẩm tra thiết kế công trình Cầu cảng xây dựng thuộc Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam.
Cụ thể, để đủ cơ sở xem xét, thẩm định thiết kế công trình cầu cảng xây dựng này, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định thành lập Tổ thẩm định thiết kế cơ sở và thiết kế xây dựng công trình Tổ hợp hóa dầu miền Nam.
Tổ thẩm định có trách nhiệm thẩm định đúng thiết kế cơ sở và thiết kế xây dựng công trình của Dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam theo quy định thẩm hành.
Ông Nguyễn Việt Sơn, Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than là Tổ trưởng, bà Ngô Thúy Quỳnh là Tổ phó. Ngoài ra, các tổ viên là ông Lưu Hoàng Ngọc, ông Đặng Hải Anh, bà Đỗ Vũ Anh Thư, bà Mai Thu Hiền, ông Đỗ Viết Mỹ, Đỗ Quang Thịnh.
Dự án xây dựng Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam tại xã Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) là công trình trọng điểm nhà nước về dầu khí do Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn làm chủ đầu tư.Ngoài ra, Tổ thẩm định còn có đại điện Bộ Xây dựng, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đây là Tổ hợp hóa dầu độc lập đầu tiên tại Việt Nam có quy mô sản xuất lớn với công suất lên đến 1,6 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư ước tính 5,4 tỷ USD. Tỷ lệ góp vốn vào dự án như sau: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (29%), Công ty Hóa chất VSCG Chemical thuộc Tập đoàn SCG Thái Lan (53%), Công ty Nhựa và Hóa chất TPC (Thái Lan - 18%). Dự án dự kiến hoàn thành năm 2020.
Dự án có tổng diện tích 464ha, nằm trong Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (TP. Vũng Tàu); trong đó, 398ha xây dựng nhà máy (gồm 10 nhà máy, công suất chế biến 2,7 triệu tấn nguyên liệu/năm), 66ha đất xây dựng cảng. Các sản phẩm của tổ hợp này là nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác như: bao bì, tơ sợi, ô tô, điện tử…
Trong quá trình xây dựng, Dự án sẽ tạo ra khoảng 15.000-20.000 việc làm. Còn khi đi vào vận hành thương mại sẽ tạo ra trên 1.000 việc làm và dự kiến sẽ đóng góp cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ngân sách quốc gia ước tính khoảng 115 triệu USD/năm (khoảng 2.500 tỷ/năm) trong suốt 30 năm từ khi đi vào hoạt động.
Nguồn: cafeF.VN